Nơi nơi đều sốt đất, nơi nơi bàn về đất, từ thành thị tới thôn quê nhưng chủ yếu là ở vùng thôn quê. Giá đất thay đổi từng ngày, từng giờ nó làm tôi nhớ đến cơn sốt đất của những năm 2007-2008 và chuỗi ngày đóng băng tới tận 201x… Đó cũng là lúc TTCK thoái trào đến tận 2009. Giữa cơn sốt đất và TTCK luôn có một mối liên hệ với nhau, nếu không muốn nói là rất mật thiết. Vậy chúng tương quan ra sao?
Giai đoạn 2006-2008:
Trong giai đoạn chứng khoán sôi sục khắp nơi từ già đến trẻ, từ văn phòng đến nhà máy, từ thành thị đến nông thôn, số lượng tài khoản cũng tăng lên chóng mặt, thanh khoản gia tăng dữ dội, tăng hàng lần. Điều này đã làm cho thị trường chứng khoán dậy sóng và tăng lên đỉnh lịch sử 11xx vào tháng 03/2007. Cùng lúc đó, số lượng nhà đầu tư F0 (trong đó có tôi) đã dấn thân vào TTCK một cách máu lửa với tâm thế chuẩn bị x2, x3 tk. Rồi cái gì đến cũng đến, những thế hệ Fn đã đi vào TTCK trước đó 5-7 năm họ đã quá kinh nghiệm và bắt đầu chốt lãi rời khỏi thị trường đầy ảo giác này. Họ biết thừa những cổ rác, những penny stock và đã âm thầm chốt lãi để đem về hàng nghìn tỷ. Sau cuộc sốt chứng khoán chính là cơn sốt đất tại thời điểm đó. Dòng tiền chốt lãi từ CK cần phải tìm một nơi trú ẩn. Bất động sản chính là nơi có vẻ an toàn nhất. Dòng tiền đổ như thác vào BĐS để chuyển tài sản từ ảo vọng sang thực chất. Chuyện rất đơn giản, ngoài vấn đề về định giá, về khủng hoảng kinh tế, thì dòng tiền bị rút khỏi thị trường chính là một trong những nguyên nhân gây ra sự sụt giảm ê chề trên TTCK.
Hiện nay:
Có cảm giác lịch sử lại quay về, tuy có rất nhiều điểm khác nhau giữa hai thời khắc nhưng vẫn có những thứ giống nhau đến kinh ngạc. Dòng tiền lại có vẻ rút ra khỏi TTCK khi con sóng khủng giúp NĐT kiếm lãi khủng khiếp. Dòng tiền phải chạy vào BĐS để trú ẩn an toàn, đất khắp nơi sốt nóng, vì lượng tiền đổ vào như thác. Nhưng con sóng BĐS bao giờ cũng lên khiếp khủng nhưng thường lại rất ngắn. Thị trường BĐS dễ dàng rơi vào trạng thái đóng băng khi các các nhà chức trách bắt đầu để ý đến nó và ngăn chặn dòng tiền đầu cơ vào BĐS, kèm theo là chính sách lãi suất tăng cao làm thị trường BĐS gặp khó và càng dễ rơi vào đóng băng khi thanh khoản giao dịch ngày càng giảm. Giảm cũng rất dễ hiểu, bởi giá bị đẩy lên cao ngất trong thời gian ngắn và người muốn trú ẩn thì cũng đã trú ẩn xong, người muốn mua cũng đã mua xong, thì những kẻ chưa bán chỉ còn ngồi ngáp.
Hệ quả:
Sau con sóng BĐS chính là thời kỳ đóng băng và nó cũng làm cho dòng tiền vào TTCK bị giảm sút đáng kể dẫn đến TTCK bị điều chỉnh trong một thời gian dài. Trong suốt thời kỳ đó, những cổ phiếu không có nội lực đều ra đi vĩnh viễn mà phải chờ thậm chí 10 năm mới có thể quay đầu.
Liệu điều đó có thể lại xảy ra?
Hoàn toàn có thể, TTCK thì giảm thanh khoản, còn thị trường BĐS thì sớm đóng băng khi lãi suất tăng lên và nhà nước thì kìm hãm nó. Nhưng chúng ta cũng có thể kỳ vọng vào triển vọng tươi sáng hơn của TTCK bởi nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang trên con đường hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch và định giá của thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn đang ở mức hấp dẫn so với những năm 2007-2008. Nhưng khả năng điều chỉnh do sự sụt giảm dòng tiền là điều hoàn toàn có thể diễn ra trong ngắn hạn. Anyway, đây chỉ là những dự báo hi vọng nó sẽ khác
Nguồn : https://vietnambusinessinsider.vn/con-sot-dat-va-thi-truong-chung-khoan-a25089.html