Đầu tư nhỏ, hiệu quả cao
Vừa quan sát các kỹ thuật viên điều khiển thiết bị UAV/drone để kiểm tra rừng định kỳ, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (tỉnh Gia Lai) vui mừng chia sẻ, từ khi công ty trang bị thiết bị bay này công việc nhàn hơn mà hiệu suất tăng lên đáng kể.
Ông Nam cho biết, nếu như trước đây việc kiểm tra rừng chỉ thực hiện mỗi tháng một lần do hạn chế về nhân lực và chi phí, mỗi lần ít nhất 4 người thực hiện trong 7 ngày, thì với thiết bị bay drone có thể thực hiện 3 lần mỗi tháng và chỉ với 2 người thực hiện trong 2 ngày. Không những thế, diện tích giám sát cũng tăng từ 40 ha lên 450 ha mỗi lần.
Theo quan sát, các kỹ thuật viên đứng một chỗ điều khiển drone từ 10 đến 30 phút đã có thể quan sát rõ diện tích rừng rộng lớn từ khoảng cách xa vài km.

Đặc biệt, thiết bị cung cấp hình ảnh, video chi tiết về hiện trạng rừng giúp công ty theo dõi được sự thay đổi của diện tích rừng, qua đó xác định rõ các khu vực có nguy cơ cao về cháy, sạt lở đất để triển khai biện pháp phòng ngừa từ xa.
“Việc sử dụng thiết bị drone giúp chúng tôi giám sát rừng trên diện tích lớn hơn, với độ chính xác cao hơn, an toàn hơn và chi phí thấp hơn so với kiểm tra thủ công truyền thống”, ông Nam chia sẻ.
Nói về cơ duyên biết đến công nghệ này, đại diện công ty cho biết, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn là một trong số doanh nghiệp được thụ hưởng từ dự án Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tại Việt Nam (SFM) do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) ủy nhiệm, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (MBFP) thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp thực hiện.
Dự án SFM đã triển khai chương trình đào tạo về công nghệ UAV cho các doanh nghiệp lâm nghiệp, bao gồm kỹ năng vận hành drone, phân tích hình ảnh và ứng dụng dữ liệu bay trong quản lý rừng.
“Sau khóa đào tạo, chúng tôi nhanh chóng nhận ra UAV không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn cung cấp dữ liệu chính xác hơn nhiều”, ông Nam chia sẻ, đồng thời cho biết, việc đào tạo UAV thành công đã khơi dậy sự đổi mới, và công ty đã quyết định đầu tư 70 triệu đồng mua UAV cho hoạt động giám sát rừng.

“Khóa đào tạo đã cho chúng tôi thấy UAV/drone có thể cải thiện đáng kể hoạt động quản lý rừng. Chúng tôi nhanh chóng nhận ra giá trị to lớn của công nghệ này trong việc giám sát các khu vực rộng lớn, bao gồm cả những vùng xa xôi”, Trưởng phòng Kỹ thuật Nguyễn Ngọc Nam chia sẻ và cho biết, đến cuối năm công ty sẽ đầu tư khoảng 300 triệu đồng để sắm drone mới.
Cũng nhận thấy lợi ích của việc áp dụng UAV/drone, ngay sau khóa đào tạo, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (tỉnh Gia Lai) đã quyết định mua 2 chiếc drone với giá 100 triệu đồng/chiếc.
Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ, ông hoàn toàn hài lòng về giá trị mà drone mang lại trong việc quản lý rừng, bao gồm việc giám sát các khu vực rộng lớn và cả những vùng xa xôi.
Đặc biệt, drone giúp hiện đại hóa quản lý rừng bằng cách sử dụng công nghệ thực hiện việc Audit chi tiết, giám sát đa dạng sinh học và đánh giá trữ lượng carbon theo thời gian thực.
Ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu của EUDR
Bà Carina van Weelden, Cán bộ Quản lý thực hiện dự án, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cho biết, một trong những sáng kiến nổi bật của Dự án là việc triển khai công cụ Giám sát và Báo cáo Lĩnh vực (SMART). Đây là giải pháp toàn diện kết hợp phần mềm, tài liệu đào tạo và các tiêu chuẩn thực thi nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn rừng.
Kể từ năm 2016, GIZ cùng Cục Lâm nghiệp Việt Nam đã hợp tác triển khai SMART, tiêu chuẩn hóa mô hình dữ liệu và xây dựng các hướng dẫn cho việc áp dụng trong hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trên toàn quốc.
Hệ thống này không chỉ giúp tăng cường giám sát mà còn cung cấp công cụ giúp các cơ quan quản lý đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả. Điển hình là Vườn quốc gia Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa), nơi công nghệ SMART đã được áp dụng thành công, góp phần vào quá trình bảo vệ tài nguyên rừng và cải thiện công tác quản lý.

Bên cạnh đó, việc đưa vào sử dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc gỗ theo yêu cầu của EUDR (Quy định về Chống phá rừng của Liên minh châu Âu) cũng là một điểm nhấn trong hợp tác này. EUDR chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2025.
Hai công nghệ được áp dụng là INATrace và DIASCA cũng đang được thử nghiệm tại các mô hình thuộc dự án SFM. Đây là những hệ thống truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số, cho phép ghi nhận thông tin từ hộ trồng rừng đến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Theo đại diện Dự án, công nghệ giúp quản lý hiệu quả, nhưng yếu tố con người, đặc biệt là cộng đồng địa phương, mới là nền tảng lâu dài cho phát triển rừng bền vững.
“Từ thực tế triển khai dự án cho thấy, để phát triển lâm nghiệp bền vững, cần song hành ba trụ cột: Chuyển đổi mô hình trồng rừng, Ứng dụng công nghệ, Gắn kết cộng đồng”, bà Carina van Weelden nhấn mạnh.
Nguồn : https://nhadautu.vn/