20 báo cáo được các ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới công bố gần đây cho thấy không chỉ lạm phát và suy thoái là những cụm từ có tần suất lặp đi lặp lại ở mức cao, mà triển vọng kinh tế năm 2023 vẫn khá ảm đạm. Tuy vậy, cơ hội đầu tư tại Việt Nam vẫn được nhìn nhận tích cực.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán và trái phiếu biến động, giới đầu tư đã phải tìm cách thích nghi, cơ cấu lại danh mục đầu tư và phân bổ dòng vốn theo hướng phù hợp. Điều này sẽ tạo cơ hội phát triển cho nhiều kênh đầu tư khác.
Đặc biệt, theo chia sẻ của ông Hadi Maleab, Đồng sáng lập và CEO của Agora Group, tại Tọa đàm: “Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, nếu 2022 là năm ảm đạm đối với Lĩnh vực tài sản kỹ thuật số và blockchain, với các đồng tiền điện tử lớn bị rớt giá và sự sụp đổ của tiền ảo Terra, Luna… thì sang năm 2023, Lĩnh vực tài sản kỹ thuật số sẽ vượt trội hơn các loại khác.
“Theo quan điểm của tôi, tài sản kỹ thuật số luôn có những cơ hội tốt để đầu tư ở mọi thời điểm, miễn là nhà đầu tư xác định được lĩnh vực tham gia. Tương tự như bất kỳ công cụ đầu tư khác, nhà đầu tư cần biết mình đang đầu tư vào cái gì, xem xét những ưu và nhược điểm để đưa ra quyết định sáng suốt”, ông Handi nhận định.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban Uỷ ban Web 3.0, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cũng cho rằng thị trường có thể xuất hiện điểm sáng cho việc hoàn thiện hay khởi đầu cho các ý tưởng mới.
“Sau mỗi cuộc suy tàn thì đây là cơ hội tốt nhất để bắt đầu”, ông Thành nói và lưu ý thêm: “Những mô hình kinh doanh thực sự như SocialFi có thể đi vào đời sống cùng với Blockchain với các ứng dụng thiết thực có cơ hội phát triển. Blockchain là công nghệ mới, lĩnh vực mới với lượng nhà đầu tư trẻ hoá và lực lượng gia nhập thị trường đông đảo và quy mô thị trường còn rất nhỏ, mới chỉ đạt tầm 1-2% kích thước thị trường chứng khoán Mỹ. Trong khi đó, lượng tiền mặt thực tế trong thị trường tầm 137 tỉ USD nên khả năng mở rộng trong 5-10 năm tới là điều chắc chắn”.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc lựa chọn sàn giao dịch uy tín và tiên phong trong lĩnh vực công nghệ kết nối nhà giao dịch với tài chính thế giới đang trở thành xu hướng.
Các nhà đầu tư thường đa dạng hoá tài sản giao dịch, không chỉ từ các tài sản truyền thống như hàng hoá, chứng khoán cơ sở mà còn với các tài sản khác như Tiền Tệ, Hàng hoá kim loại, Tiền kỹ thuật số, chỉ số phái sinh, chứng khoán nước ngoài…
Là một trong những kênh đầu tư phổ biến trên thế giới, giao dịch hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa cũng đang từng bước đón nhận sự quan tâm đông đảo của các nhà đầu tư Việt Nam, bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản, vàng…
Đối với kênh đầu tư phái sinh hàng hóa, ông Lê Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại AIMS Futures Việt Nam, thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), cho biết, mức độ tham gia của các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vào thị trường phái sinh hàng hóa đang tăng mạnh trong những năm gần đây.
Năm 2022, có hơn 4.000 tài khoản mở mới, đưa tổng số lượng tài khoản đang hoạt động trên thị trường lên con số 22.000 và khối lượng giao dịch tăng 36% so với năm 2021. Theo đó, giá trị giao dịch trung bình đạt gần 5.000 tỷ đồng/ngày, có những ngày kỷ lục hơn 10.000 tỷ đồng.
Thị trường phái sinh hàng hóa được quan tâm nhờ việc giao dịch sản phẩm dầu thô WTI trên Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), do sản phẩm này ảnh hưởng lớn đến giá xăng – dầu, giá vận tải trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, việc đưa các hợp đồng micro (hợp đồng có giá trị nhỏ) vào giao dịch theo xu hướng thế giới được đón nhận nhiều, vì chỉ với hơn 10 triệu đồng, nhà đầu tư đã có thể giao dịch được một hợp đồng hàng hóa micro. Với giá trị đầu tư này, hợp đồng giao dịch phái sinh hàng hóa dễ tiếp cận hơn với các nhà đầu tư có quy mô vốn khác nhau.
Đại diện AIMS Futures Việt Nam cho biết so với các kênh đầu tư khác, thị trường phái sinh hàng hóa có một số ưu điểm cho các nhà đầu tư.
Thứ nhất, khả năng giao dịch hai chiều (cả chiều mua và bán khống) giúp các nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt xu hướng dù là tăng hay giảm.
Thứ hai, thời gian giao dịch T+0, hàng về ngay khi vào lệnh giúp các nhà đầu tư quản lý rủi ro và lợi nhuận tốt hơn.
Thứ ba, thanh khoản lớn vì thị trường hàng hóa phái sinh liên thông với thế giới giúp các nhà đầu tư ra/vào thị trường rất thuận lợi, không bị kẹt hàng, giúp khả năng quản lý rủi ro tốt hơn rất nhiều.
Và cuối cùng, yêu cầu ký quỹ thấp, từ 7 – 15% giá trị hàng thực, giúp các nhà đầu tư có thể phân bổ, tận dụng vốn tốt hơn nhiều, lợi nhuận tiềm năng so với vốn đầu tư tương đối lớn.
Nguồn: VnEconomy
(Post by Automation bot).