Hà Nội là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học và công nghệ của Việt Nam. Thành phố cũng là trung tâm chính trị và hành chính quốc gia.
THÁCH THỨC PHÁT TRIỂN CỦA THỦ ĐÔ, ĐẦU TÀU CẢ NƯỚC
Là nơi hội tụ nhiều trường đại học nhất cả nước, với đội ngũ giáo sư và chuyên gia hàng đầu về khoa học và công nghệ, số người có bằng cấp cao từ đại học trở lên tập trung ở Hà Nội chiếm tối thiểu 65% của cả nước. Số lượng doanh nghiệp tại Hà Nội đang đang ngày càng gia tăng.
Cùng với nhiều điều kiện thuận lợi khác, Hà Nội được nhận định có nhiều thế mạnh để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành bán dẫn. Tuy nhiên, những điều kiện thuận lợi cũng đặt Hà Nội vào tình thế thách thức nếu không khai thác hết những điểm mạnh của mình.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, hiện Thành phố đang xây dựng kế hoạch và định hình các khuôn khổ cùng chính sách cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn.
“Hiện tại, chúng tôi đang tích cực tìm hiểu và tư vấn cho lãnh đạo thành phố để sớm đưa ra quyết sách cụ thể”, ông Nguyễn Việt Hùng nói và thẳng thắn thừa nhận “tính đến ngày 30/7/2024, Hà Nội vẫn chưa có kế hoạch” khi trả lời câu hỏi của PGS. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại tọa đàm “Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội” diễn ra sáng 30/7.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết với trách nhiệm của một công dân Thủ đô, trách nhiệm của một người làm công tác quản lý nhà nước, tham mưu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số, “chúng tôi đang tích cực tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo thành phố về vấn đề này”.
4 KIẾN NGHỊ ĐỂ HÀ NỘI KHAI THÁC HẾT THẾ MẠNH, THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Tại phiên tọa đàm, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, cũng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Thành phố, như tiếp cận tư duy và hành động đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền Thủ đô với các bộ, ngành trung ương, viện khoa học và trường đại học.
Thứ nhất, Hà Nội cần chủ động xây dựng danh mục các dự án và chính sách đầu tư, không chỉ tập trung vào công nghiệp bán dẫn mà còn khuyến khích các công nghệ tương lai như AI, Blockchain, Fintech, dịch vụ hiện đại, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Những lĩnh vực này liên quan chặt chẽ với công nghiệp bán dẫn.
“Tôi cho rằng cần mở rộng phạm vi thảo luận, không chỉ giới hạn ở công nghiệp bán dẫn mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực công nghệ khác để phù hợp với tình hình chung của đất nước và tối ưu hóa cơ hội cho Thủ đô”, GS. TSKH Nguyễn Mại nói.
Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố công khai về các dự án đã thỏa thuận đàm phán, một số dự án đã ký kết, và một số khác đang trong giai đoạn thăm dò.
GS. TSKH Nguyễn Mại mong rằng trong số các dự án hiện tại và những dự án sắp tới, Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ dành ưu tiên càng nhiều càng tốt những dự án phù hợp với định hướng của Hà Nội. Điều này sẽ giúp Thủ đô tiếp cận các nhà đầu tư rộng rãi hơn và đẩy nhanh quá trình thực hiện các dự án này.
Thứ ba, theo GS. TSKH Nguyễn Mại, các hoạt động xúc tiến đầu tư cần cải tiến hơn nữa. Hiện tại, xúc tiến đầu tư chủ yếu dựa vào các cuộc hội nghị đông người để quảng bá chính sách, luật pháp ưu đãi và cơ hội đầu tư, điều này có hiệu quả nhưng thường chỉ thu hút các chuyên gia cấp dưới và ít có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao, các CEO của tập đoàn, doanh nghiệp.
“Do đó, cần thay đổi cách tiếp cận bằng việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư có địa chỉ cụ thể”, GS. TSKH Nguyễn Mại nói. “Khi có một tập đoàn định đầu tư vào Hà Nội và dự án đó phù hợp với định hướng, chúng ta nên làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao, CEO hoặc cán bộ mà các CEO của tập đoàn chỉ định, thậm chí có thể làm việc qua mạng Internet. Cần đạt được các thỏa thuận cơ bản giữa hai bên trước khi tiến hành đàm phán chính thức để nhanh chóng thẩm định, cấp license và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực thi dự án”.
Theo ông, ngoài thuế và chính sách ưu đãi, các tập đoàn lớn rất coi trọng yếu tố thời gian. Nếu không thể ra kết quả trong thời gian ngắn, ví dụ như từ 6 tháng đến một năm, dự án có thể bị hủy bỏ và không thực hiện được tại Việt Nam. Vì vậy, đây là vấn đề rất quan trọng cần được lưu ý.
Cuối cùng, GS. TSKH Nguyễn Mại đề cập đến vấn đề khắc phục các điểm nghẽn. Theo đó, ngoài vấn đề năng lượng, còn có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đô thị. Không chỉ có giao thông, quan trọng là cần tập trung vào việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo quá trình này theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.
Điều này sẽ giúp thực hiện đầy đủ các định hướng của Đại hội Đảng lần thứ 13, cũng như các mục tiêu của thành phố Hà Nội, trở thành một Thành phố hòa bình, xanh, sạch và đẹp.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để gia tăng tốc độ phát triển và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển 2021-2030. Để đạt được điều này, cần tăng cường vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.
GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng Thủ đô Hà Nội có điều kiện thuận lợi để khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn và lợi thế vượt trội, với yêu cầu đổi mới nhanh hơn, sáng tạo cao hơn, và cải cách đồng bộ nền hành chính theo hướng chính phủ kiến tạo và chính phủ số.
GS. TSKH Nguyễn Mại là nguyên Hiệu trưởng Đại học Thương Mại; Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Kế hoạch và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư); nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ; Hiện nay là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài; Thành viên Tổ tư vấn về đường sắt cao tốc tốc độ cao.
Nguồn : https://vneconomy.vn/4-de-xuat-de-ha-noi-thu-hut-fdi-phat-trien-ban-dan.htm