Năm 2021, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt được những kết quả tích cực. Việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do FTAS sẽ mang đến nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai, kèm theo đó là nhiều thách thức mà ngành này phải đối mặt.
Xuất khẩu thủy sản năm 2021
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gây bất ngờ trong năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020, nhưng các chuyên gia và các nhà chức trách chính phủ đề xuất đa dạng hóa hơn nữa các thị trường xuất khẩu mục tiêu và tận dụng tốt các hiệp định thương mại hiện có.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp lần thứ nhất tại Hà Nội ngày 29/12/2021, nhấn mạnh sứ mệnh của ngành nông nghiệp là cùng nhau chống lại đại dịch và duy trì sự phát triển kinh tế cũng như chuỗi cung ứng bền vững.
Thủ tướng cho rằng nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ cột của nền kinh tế. Ông kêu gọi ngành nông nghiệp “đổi mới tư duy hơn nữa để nâng cao chất lượng, xây dựng các sản phẩm mang tính quốc tế, đa dạng hóa thị trường và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp của năm tới đạt mức trên 3%”, với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 50 tỷ USD. Thủ tướng cho biết: “Nếu các sản phẩm tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống thì chuỗi cung ứng rất dễ bị phá vỡ trong các cuộc khủng hoảng”.
Trong khi đó, bức tranh chung của ngành thủy sản vẫn tươi sáng, ngay cả khi có một số biến động trong năm nay. Tỷ lệ bao phủ vắc xin ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với nhu cầu của thị trường châu Âu và châu Mỹ đã làm cho hoạt động kinh doanh của ngành này khả quan hơn.
Những thách thức ngành thuỷ sản đã và đang gặp phải
Hoạt động thương mại giữa các quốc gia vẫn phức tạp và cước phí vận chuyển quốc tế gia tăng liên tục từ năm 2020. Các yếu tố biến đổi Gas hậu và tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp nước cho Đồng bằng sông Cửu Long gây ra nhiều gánh nặng, khó khăn cho việc nuôi trồng thủy sản. Các doanh nghiệp đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đã và đang phải xử lý với các yêu cầu ngày càng tăng về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường khó tính như EU và đối mặt với việc nguồn lợi thủy sản đang ngày càng suy thoái.
Thị trường thủy sản trên thế giới ngày càng biến động, với sự tham gia của các nhà cung cấp lớn khiến các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam khó tiếp cận các thị trường đa dạng.
Việc “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” có thể gây nguy hại cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hướng đến mạng lưới khách hàng đa dạng hơn, trong khi vẫn ưu tiên các thị trường có năng lực tiêu thụ lớn.
Thời gian đánh bắt dài và chi phí vận chuyển, bảo quản cao khiến cá ngừ đại dương của Việt Nam khó có thể cạnh tranh với cá ngừ của Philippines và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sức hút của thị trường châu Âu khiến các doanh nghiệp thủy sản Việt vẫn dành nhiều nguồn lực để khai thác thị trường tiềm năng này.
Trong quá trình thực thi hiệp định thương mại với liên minh châu Âu EU (EVFTA), ông Phạm Văn Long đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã phỏng vấn một số doanh nghiệp thủy sản. Ông Long cho biết chỉ có hai doanh nghiệp khẳng định giá trị xuất khẩu sang thị trường EU tăng trong năm qua nhờ tăng đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại giảm giá trị đơn hàng xuất sang thị trường EU.
“Giá trị xuất khẩu giảm chủ yếu do lượng đơn hàng giảm và chi phí sản xuất tăng. Điều kiện xuất khẩu thắt chặt hơn và chi phí logistics cao do đại dịch khiến giá vận chuyển liên tục leo thang”, ông Long giải thích.
Thương mại giữa Việt Nam và khối EU đã được cải thiện kể từ khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, với kim ngạch xuất khẩu đạt 38,5 tỷ USD, tăng 11,3% (số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam).
Ông Long nhìn nhận: “Những thách thức về cạnh tranh trong tương lai là rất lớn, do EU cũng đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do FTA với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, khiến cho chi phí thương mại của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN”.
Cơ hội cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới
Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu có thể mang lại cơ hội lớn cho việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam tới các thị trường đa dạng. Ví dụ, việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nam Mỹ sẽ có triển vọng tốt khi Việt Nam đã có FTA với Chile và cả hai đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam – Chile có hiệu lực từ năm 2014. Đến năm 2019, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Chile tăng từ 1,4 triệu USD lên gần 10,2 triệu USD, tăng 633%.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp chủ động tiếp cận thị trường Chile lại chưa cao.
Ông Phạm Trường Giang, Đại sứ Việt Nam tại Chile cho biết, để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, ông khuyến nghị các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Chile phải thể hiện rõ chất lượng vệ sinh, thành phần, giá trị dinh dưỡng, tỷ lệ các thành phần và tất cả đều phải được in bằng tiếng Tây Ban Nha.
Hơn nữa, Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác, với giá cả ổn định và sản phẩm thủy sản chất lượng tốt. Các hiệp định thương mại tự do FTA sẽ tiếp tục là đòn bẩy để xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phục hồi tại một số thị trường.
Babuki tổng hợp & hiệu đính, theo Vietnam Investment Review