Real World Assets – RWA (tài sản trong thế giới thực) đang trở thành một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong thị trường crypto. Các dự án về Real World Assets được dự kiến sẽ là nguồn động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành DeFi, như đã được đề cập trong bài viết Real World Assets (RWA) là gì? Ứng dụng của RWA trong DeFi.
Dù Real World Assets là một lĩnh vực đầy tiềm năng, nhiều người mới vẫn không khỏi lạ lẫm khi tìm hiểu về lĩnh vực này, và sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm những dự án tiềm năng để đầu tư.
Do đó, trong bài viết dưới đây, GFI Blockchain sẽ giới thiệu đến các bạn Top 10 dự án nổi bật ứng dụng Real World Assets, giúp các bạn có một cái nhìn tổng quan về những cơ hội đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực này.
Top 10 dự án nổi bật ứng dụng Real World Assets sẽ được chia thành 4 nhóm dự án chính:
- Nhóm dự án Cơ sở hạ tầng: Centrifuge, Quadrata.
- Nhóm dự án Bất động sản: RealT, Realio.
- Nhóm dự án Lending: MakerDAO, Goldfinch, Maple, TrueFi.
- Nhóm dự án Tài sản tổng hợp và Tín chỉ carbon: Synthetix, Flowcarbon.
Trong các dự án nổi bật này, Synthetix và MakerDAO là 2 dự án có vốn hóa lớn nhất, lần lượt là 860 triệu USD và 695 triệu USD. Những dự án còn lại đều có vốn hóa dưới 100 triệu USD, cho thấy lĩnh vực Real World Assets vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển.
Nhóm dự án Cơ sở hạ tầng
Các dự án trong nhóm này giúp tối ưu hóa các quy trình trong việc ứng dụng Real World Assets, gồm hoạt động token hóa tài sản và hỗ trợ KYC.
Centrifuge (CFG) – Vốn hóa 97 triệu USD
Centrifuge là một trong những dự án tiên phong trong lĩnh vực token hóa tài sản, được phát triển từ năm 2017.
Các công ty có thể sử dụng dApp Tinlake của Centrifuge để token hóa các Real World Assets thành NFT, sau đó sử dụng NFT này làm tài sản thế chấp để vay nợ từ các giao thức DeFi và tổ chức đầu tư.
Dự án Centrifuge đã hợp tác với 2 giao thức hàng đầu thị trường DeFi là Aave và MakerDAO. Aave được Centrifuge hỗ trợ phát triển stablecoin GHO, còn MakerDAO hỗ trợ nguồn vốn 150 triệu USD cho pool Real World Assets trên Tinlake.
Từ 2018 đến nay, Centrifuge đã gọi vốn được hơn 15 triệu USD từ các quỹ như Coinbase Ventures, Galaxy Digital và IOSG Ventures.
Đọc thêm: Tổng quan về dự án Centrifuge
Quadrata (chưa có token)
Quadrata là một dịch vụ cung cấp danh tính cho người dùng Web3 trên toàn cầu. Các cá nhân và tổ chức sẽ được cấp một NFT Quadrata Passport gắn liền với địa chỉ ví của mình. NFT này có chức năng:
- Chống Sybil Attack (tấn công mạo nhận) và rửa tiền.
- Xác định quốc gia của người sở hữu ví.
- Xác định mức độ uy tín on-chain.
Hiện nay, Quadrata đang hỗ trợ KYC trên nhiều blockchain phổ biến như Ethereum, Polygon, Arbitrum, Optimism, BNB Chain, Fantom, Avalanche…
Dù những tính năng của Quadrata là khá cơ bản, dự án này đã huy động được 7,5 triệu USD trong vòng Seed Round được dẫn đầu bởi Dragonfly Capital vào cuối năm 2022. Quadrata cũng đã được Binance Research liệt kê trong danh sách các dự án thuộc lĩnh vực Real World Assets.
Nhóm dự án Bất động sản
Thị trường bất động sản toàn cầu có giá trị 362 nghìn tỷ USD, nếu mang được lượng giá trị này lên blockchain thì TVL của DeFi sẽ chứng kiến mức tăng trưởng khổng lồ. Hiện tại có nhiều dự án đang thực hiện sứ mệnh này, trong đó 2 dự án được cộng đồng quan tâm nhất là RealT và Realio.
RealT (chưa có token)
RealT Platform là nền tảng hỗ trợ mã hoá (Tokenization) và chia nhỏ (Fractionalization) các bất động sản thành các token Real World Assets.
Hiện tại RealT đang token hóa các bất động sản tại Hoa Kỳ, cho phép nhà đầu tư trên toàn thế giới sở hữu bất động sản chỉ với 50 USD. Đến tháng 3/2023, RealT đã token hóa một lượng bất động sản trị giá hơn 70 triệu USD và thu hút hơn 14 nghìn nhà đầu tư.
Mới đây, một bản đề xuất đã được soạn thảo bởi Marc Zeller (Integrations Lead của Aave), cho phép RealT fork mô hình của Aave để phát triển một nền tảng giao dịch token Real World Assets. Đổi lại, 20% lợi nhuận từ nền tảng này sẽ được RealT gửi lại cho Aave theo từng quý. Các bình luận từ cộng đồng đang cho thấy sự ủng hộ đối với đề xuất này.
Realio (RIO) – Vốn hóa chưa xác định
Tương tự RealT, Realio cũng là một nền tảng hỗ trợ việc token hóa và chia nhỏ bất động sản. Realio được phát triển trên blockchain Ethereum, dự án cũng đang xây dựng một blockchain Layer 1 cho hoạt động giao dịch Real World Assets (đã mainnet vào ngày 7/4/2023).
Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là dự án Realio đang được marketing rộng rãi trên Twitter thông qua nhiều KOL và hashtag, nội dung chỉ tập trung chủ yếu vào tiềm năng tăng giá. Hiện tại giá token RIO cũng đã tăng 20 lần so với vùng đáy tháng 1/2023. Do đó, bạn đọc cần cân nhắc kỹ trước khi đầu tư vào dự án này.
Nhóm dự án Lending
Các dự án trong nhóm Lending giúp các chủ sở hữu Real World Assets có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ các giao thức DeFi bằng việc thế chấp tài sản trong thế giới thực, hay thậm chí là tín chấp.
MakerDAO (MKR) – Vốn hóa 695 triệu USD
MakerDAO là dự án hàng đầu trong mảng Lending của thị trường DeFi, được thành lập từ năm 2014. MakerDAO cho phép người dùng thế chấp các tài sản để vay stablecoin DAI. Hiện tại, TVL của MakerDAO đang ở mức 7,7 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các giao thức DeFi.
Stablecoin DAI của MakerDAO được ra đời vào năm 2017, ban đầu stablecoin này được mint ra dựa trên việc thế chấp Ethereum và các đồng crypto khác. Tuy nhiên, đến năm ngoái, MakerDAO đã đa dạng hóa tài sản thế chấp cho DAI bằng việc dự trữ các Real World Assets như trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ.
MakerDAO hiện đang nắm giữ 500 triệu USD trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, và gần đây đã thông qua đề xuất mua thêm một lượng trái phiếu kho bạc trị giá 750 triệu USD. Bên cạnh việc mua trái phiếu, MakerDAO còn tham gia sâu hơn vào lĩnh vực Real World Assets bằng việc cung cấp 150 triệu USD vốn vay cho doanh nghiệp thông qua dApp Tinlake của Centrifuge.
Hiện tại, chưa tính đến 750 triệu USD trái phiếu kho bạc sắp dự trữ thêm, tổng giá trị Real World Assets mà MakerDAO đang nắm giữ đã đạt 680 triệu USD. Doanh thu từ Real World Assets cũng đang chiếm tới 58% tổng doanh thu của MakerDAO.
Đọc thêm: MakerDAO là gì? Tổng quan về dự án MakerDAO
Goldfinch (GFI) – Vốn hóa 32 triệu USD
Goldfinch là một nền tảng cho vay tín chấp phi tập trung. Như sơ đồ bên dưới, mô hình cho vay của Goldfinch bao gồm 4 bộ phận:
- Bên cung cấp vốn: Liquidity Provider và Backer.
- Bên vay vốn: Borrower.
- Pool vốn: gồm Senior Tranche và Junior Tranche như trong tài chính truyền thống.
- Bên kiểm toán: Auditor.
Điểm thú vị của Goldfinch chính là mô hình tín chấp. Các Borrower của Goldfinch đều là các tổ chức tài chính có uy tín, và các Borrower cũng được kiểm tra bởi một nhóm Auditor.
Borrower sẽ thiết lập các Borrower Pool, với đầy đủ các tham số như tổng số tiền sẽ vay, lãi suất, thời hạn trả, thời hạn thanh toán, phí trả chậm… Các Liquidity Provider và Backer sẽ cung cấp vốn vào Senior Tranche và Junior Tranche tùy vào khẩu vị rủi ro. Bên cung cấp vốn có thể stake token GFI để nhận thêm lãi suất.
Với mô hình trên, Goldfinch đã cung cấp các khoản vay với tổng trị giá 130 triệu USDC cho các nước đang phát triển, trong đó có cả Việt Nam (khoảng 12 triệu USD).
Dự án Goldfinch đã được quỹ a16z đầu tư 36 triệu USD trong các vòng gọi vốn Series A vào năm 2021 và 2022.
Đọc thêm: Goldfinch là gì? Tổng quan dự án Goldfinch
Maple (MPL) – Vốn hóa 31 triệu USD
Maple là một dự án cho vay tín chấp được ra đời vào năm 2021. Mô hình cho vay của Maple cũng giống với Goldfinch, trong đó người kiểm toán sẽ kiểm định tình hình doanh nghiệp, soạn thảo các điều khoản cho vay, cũng như thực hiện các thủ tục KYC và chống rửa tiền. Đến nay, tổng số tiền được Maple cho vay đã lên đến gần 2 tỷ USD.
Rủi ro của cả Maple và Goldfinch chính là mất vốn, do tài sản thế chấp thấp hơn số tiền cho vay. Trên thực tế, theo báo cáo quý 4/2022 của Maple, nền tảng này chỉ thu về lợi nhuận 350 nghìn USD trong năm qua nhưng tổng chi phí và tổn thất đã lên tới hơn 7 triệu USD.
Dự án Maple đã huy động được tổng cộng 2,7 triệu USD từ các quỹ đầu tư như Framework Ventures và Polychain Capital. Maple cũng đã được nhắc đến trong các báo cáo gần đây của Blockworks Research, Bankless… và được Messari Research viết riêng một bản báo cáo với tiêu đề “Maple Finance: Sweet and Steady”.
Đọc thêm: Maple (MPL) là gì? Tổng quan về dự án Maple Finance
TrueFi (TRU) – Vốn hóa 78 triệu USD
Một dự án cho vay tín chấp khác cũng khá nổi bật là TrueFi. Nền tảng này đã cho vay tổng cộng 1,7 tỷ USD và trả lãi 40 triệu USD cho bên cung cấp vốn. Người nắm giữ token TRU có thể stake để nhận lại token này cùng với phí của nền tảng.
TrueFi đã gọi vốn được 12,5 triệu USD từ BlockTower Capital trong một đợt ICO vào năm 2021.
Nhóm dự án Tài sản tổng hợp và Tín chỉ carbon
Synthetix (SNX) – Vốn hóa 860 triệu USD
Synthetix là một nền tảng DeFi cho phép người dùng mint và giao dịch các tài sản tổng hợp (synthetic assets). Những tài sản tổng hợp này thực chất là phiên bản phái sinh dựa theo giá của các đồng crypto và Real World Assets như vàng, cổ phiếu và tiền tệ.
Synthetix ra đời vào năm 2017 và được phát triển trên blockchain Ethereum. Khối lượng giao dịch các tài sản tổng hợp trên nền tảng này đang đạt hàng trăm triệu USD mỗi ngày. Synthetix cũng là dự án hạ tầng giúp cung cấp thanh khoản cho các dự án như Kwenta, Lyra và Thales.
Dự án Synthetix đã huy động được tổng cộng 66 triệu USD từ các quỹ đầu tư như Coinbase Ventures, IOSG Ventures, Paradigm, Framework Ventures, DWF Labs.
Đọc thêm: Synthetix Network (SNX) là gì? Tổng quan về tiền điện tử SNX
Flowcarbon (chưa có token)
Flowcarbon là một nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp mang lượng tín chỉ carbon của họ lên on-chain, từ đó có thể dễ dàng giao dịch lượng tín chỉ carbon này hoặc sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay trong thế giới thực. Flowcarbon ban đầu được phát triển trên Celo, tuy nhiên hiện nay đã chuyển hướng sang tập trung phát triển trên blockchain Near.
Điểm nổi bật của Flowcarbon là dự án này đã gọi vốn được 70 triệu USD từ quỹ a16z trong vòng Series A vào năm 2022. Đây là một số tiền gọi vốn rất lớn cho một dự án thuộc lĩnh vực còn mới mẻ như tín chỉ carbon. Flowcarbon cũng có quan hệ đối tác với dự án token hóa tài sản Centrifuge và quỹ đầu tư công nghệ Samsung NEXT.
Kết luận
Top 10 dự án nổi bật ứng dụng Real World Assets gồm những dự án có mô hình khá đơn giản, một số dự án đã có dòng tiền ổn định (MakerDAO, Synthetix) nhưng hầu hết vẫn chưa có doanh thu (như Flowcarbon) hoặc đang chịu lỗ (như Maple). Tuy nhiên, các dự án này đều là dự án tiên phong về Real World Assets, giúp đặt nền móng cho sự phát triển về lâu dài của lĩnh vực này.
Nhìn chung, Lending và Bất động sản là hai mảnh ghép có số lượng dự án đông đảo nhất. Mảng Tài sản tổng hợp hiện đang được thống trị bởi dự án đời đầu của thị trường DeFi là Synthetix. Tín chỉ Carbon cũng là một mảnh ghép đầy tiềm năng, trong đó Flowcarbon là dự án tiêu biểu nhất với số tiền gọi vốn vượt trội.
Tuy nhiên, bạn đọc vẫn cần lưu ý về những nhược điểm lớn của các dự án ứng dụng Real World Assets:
- Nhiều quốc gia trên thế giới (như Việt Nam) vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động token hóa tài sản.
- Việc đưa Real World Assets lên blockchain vẫn phải dựa vào sự kiểm định của một bên thứ ba tập trung.
- Hoạt động cho vay tín chấp tiềm ẩn nhiều rủi ro mất vốn.
Nguồn : https://gfiblockchain.com/top-10-du-an-real-world-assets-rwa.html