Theo Quyết định, thành lập khu công nghệ cao trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam với tên gọi là Khu Công nghệ cao Hà Nam, có quy mô diện tích 663,19 ha thuộc địa bàn các xã: Trần Hưng Đạo, Nhân Mỹ, Nhân Nghĩa, Nhân Bình, Xuân Khê và Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Khu Công nghệ cao Hà Nam thực hiện các hoạt động công nghệ cao phù hợp với chính sách, định hướng phát triển công nghệ cao của Việt Nam và xu thế phát triển công nghệ cao trên thế giới, trong đó giai đoạn đầu tập trung thu hút công nghệ cao trong các lĩnh vực: trí tuệ nhân tạo, điện tử – bán dẫn, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới.
Phó Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Quy chế hoạt động của Khu Công nghệ cao Hà Nam, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Triển khai việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng và xác định ranh giới, vị trí Khu Công nghệ cao Hà Nam đảm bảo thống nhất với vị trí và quy mô diện tích đã được quy định; triển khai các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghệ cao Hà Nam theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, xây dựng phương án tổ chức đơn vị trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam thực hiện chức năng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hà Nam đảm bảo nguyên tắc tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổ chức xây dựng, phát triển và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Khu Công nghệ cao Hà Nam theo quy định, trong đó bao gồm: phương hướng, mục tiêu phát triển, tính chất, chức năng, nhiệm vụ.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để đảm bảo Khu Công nghệ cao Hà Nam hoạt động hiệu quả, đúng mục tiêu, chức năng; chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam xây dựng Quy chế hoạt động của Khu Công nghệ cao Hà Nam, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam triển khai xây dựng và quản lý nhà nước đối với Khu Công nghệ cao Hà Nam.
Lộ trình xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam gồm 2 giai đoạn.
Giai đoạn từ 2022-2025: Tỉnh Hà Nam thực hiện lập Đề án, trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam, thành lập Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hà Nam; lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng; lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng kỹ thuật cơ bản
Giai đoạn từ sau năm 2025: tiếp tục hoàn thiện hạ tầng theo hướng hiện đại và thu hút đầu tư, vận hành các hoạt động trong mô hình khu công nghệ vao đã hình thành.
Khu Công nghệ cao Hà Nam định hướng phát triển 3 vùng chức năng là vùng thí nghiệm công nghệ cao; vùng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và vùng trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực AI, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới. Đây là các lĩnh vực mới, hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng vượt trội, phù hợp với xu thế phát triển.
Khu Công nghệ cao Hà Nam được xác định là khu công nghệ cao đa ngành, dạng mở, dựa vào nguồn lực nội sinh và ngoại sinh. Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu và danh mục lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ quy định, tỉnh Hà Nam định hướng trong giai đoạn 10 năm đầu, sẽ tập trung vào những lĩnh vực là: trí tuệ nhân tạo, bán dẫn-điện tử, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới.
Nguồn vốn đầu tư phát triển khu công nghệ cao Hà Nam được xác định chủ yếu là nguồn vốn ngoài ngân sách từ các doanh nghiệp có năng lực được lựa chọn theo quy định của pháp luật; ngân sách địa phương và các chương trình của Chính phủ về phát triển công nghệ cao, được xem xét để hỗ trợ các nội dung đầu tư cụ thể theo quy định của pháp luật.
Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn đầu dự kiến khoảng 8.817 tỷ đồng (bao gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng; chi phí dự phòng và một số chi phí khác). Trong đó, nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật là: 6.699 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ theo khả năng cân đối, đảm bảo phù hợp với các nội dung hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Nguồn kinh phí Khu Công nghệ cao Hà Nam giai đoạn sau thuộc giai đoạn vận hành được kết hợp cả nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa, ước tính khoảng 30 tỷ đồng/năm.
Nguồn : https://vneconomy.vn/ha-nam-sap-co-khu-cong-nghe-cao-hon-8-800-ty.htm